Tác giả : Trần Khốt
Thể loại : Tiếu lâm
Lời “rào” đầu :
Tiếu lâm nói chung và tiếu lâm chính trị nói riêng là thể loại văn học dân gian truyền miệng tồn tại lâu đời ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam ta. Tuy nhiên, trong cuốn sách “mini” này, người sưu tầm (nói cho đúng hơn: người nghe và ghi) chỉ dám “khoanh vùng” mảng tiếu lâm chính trị năm 1980. Có hai lý do khiến tôi làm như vậy. Thứ nhất, đó là năm ở ta rộ lên nhiều chuyện tiếu lâm chính trị (hệ quả hiển nhiên của thời kỳ trì trệ trước khi cả nước bước vào vận hội Đổi mới). Thứ hai, đó cũng là năm tôi gặp “hoạ”, có tới mấy tháng phải nằm bẹp tại Bệnh viện Trưng Vương và Viện Điều dưỡng (Tp. Hồ Chí Minh). Thế nhưng, trong “hoạ” lại có... “phúc”. Đúng mấy tháng dài nằm viện ấy, tôi được dịp làm quen với nhiều cán bộ mọi miền. Và điều đáng nói là chính họ đã kể cho tôi cùng đám bạn chung cảnh ngộ nghe đủ thứ chuyện tiếu lâm, mà đa phần là tiếu lâm chính trị. Giữa lúc ngay cả bệnh nhân cán bộ cũng phải chia sẻ tình trạng thiếu thuốc, thiếu ăn với bà con dân thường thì những mẩu chuyện tiếu lâm cùng những câu vè mà bọn tôi rỉ rả kể cho nhau nghe quả là liều thuốc và món ăn tinh thần vô giá. Gần ba chục năm trôi qua, vậy mà tôi vẫn nhớ như in người kể chuyện tiếu lâm nhiều nhất, hóm hỉnh nhất (và cũng là người tôi thân thiết nhất) ở Khoa Nội cán bộ hồi ấy là bác Lương Nhân, hoạ sĩ đa tài của Đoàn Cải lương Nam bộ. Chiều chiều, khi cơm nước xong xuôi, tôi cùng số bệnh nhân túc tắc đi lại được thường mời bác Lương Nhân ra vườn hoa để nghe bác kể chuyện. Bác kể chuyện cười nhưng chính bác lại không hề nhếch mép cười, có chăng chỉ “diễn” thêm bằng cặp mắt ranh mãnh và cái miệng móm xọm. Cách kể “tỉnh khô” ấy càng khiến bọn tôi cảm thấy tức cười hơn. Bởi vậy nên mới có chuyện một bệnh nhân, tên Ẩn, không ít lần phải chắp tay lạy bác Lương Nhân khi vừa thấy bác lò dò đến bên giường mình: “Con van bác! Bác mà kể tiếu lâm lúc này là con phải kêu cấp cứu đó!”. Anh Ẩn không nói giỡn. Những người mắc bệnh hen suyễn như anh, tôi và cả bác Lương Nhân nữa, hễ cười nhiều là lập tức lên cơn khó thở. Mà bác Lương Nhân đã kể thì đố ai nín được cười… Chính bác Lương Nhân là người bảo tôi nên ghi lại chuyện tiếu lâm. Bác rủ rỉ: “Chú em là nhà báo, chú nên ghi lại mọi chuyện tiếu lâm truyền miệng để lớp con cháu đời sau biết rõ ông cha chúng đã sống và cười trong gian khó như thế nào. Chú em cứ mạnh dạn ghi đi, nghe gì ghi nấy thôi mà…” Tôi gãi tai, vờ thoái thác: “Nhiều chuyện đụng chạm ghê gớm, con hãi lắm bác ơi! Chỉ nghe thôi đã hãi rồi, bây giờ lại ghi ra giấy trắng mực đen, tang chứng - vật chứng rành rành, con ủ tờ là cái chắc!”. Bác Lương Nhân cũng vờ quắc mắt, nạt: “Sao hèn vậy mầy! Nếu người xưa ai cũng sợ ở tù như mầy, thời nay đâu còn được đọc Sử ký Tư Mã Thiên, Truyện Trạng Quỳnh, Thơ Hồ Xuân Hương…? Nội chuyện ông Trạng Quỳnh nhà ta cùng nhiều vị sĩ phu khác dám lỡm và chửi thẳng đám vua quan đồi bại, bây giờ đọc lại vẫn thấy ‘đã’ và vẫn thấy... thời sự! Mầy ghi đi. Qua [2] sẽ vắt óc nhớ lại mọi chuyện, rồi kể lai rai cho mầy ghi. Ghi sao cho hay là việc của mầy”. Nghe bùi tai nhưng, thú thật, tôi vẫn... hãi. Như đọc được ý nghĩ của gã nhà báo gầy quắt, bác Lương Nhân chậm rãi nói tiếp: “Qua chỉ bảo mầy ghi thôi mà. Đăng báo hoặc ra sách tiếu lâm chính trị lúc này thì quả là nằm mơ giữa ban ngày! Thế nhưng vài chục năm nữa, biết đâu…” Tôi “chịu đèn” và từ hôm ấy, bắt đầu hí húi ghi ghi chép chép những chuyện tiếu lâm mà bác Lương Nhân và vài bệnh nhân khác đã kể “lai rai”. Chỉ sau một thời gian ngắn, cuốn sổ tay đóng bằng giấy in báo vàng khè đã dày đặc những con chữ nhỏ xíu. Ở ngay trang đầu, tôi nắn nót ba hàng chữ:
Tiếu lâm chính trị
Tài liệu tham khảo
(Mật – Không phổ biến)
- Link tải : Tiếu Lâm chính trị epub | Tiếu lâm chính trị prc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét